Ngay từ năm 1862, nhà Ai Cập học Advin Smit đã mua được ở Lucssor mấy phần của một cuốn sách bằng chỉ thảo (papyrus) rất cổ, miêu tả những toa thuốc hết sức tỉ mỉ cách đây 5.000 năm. Khi đó, các thày thuốc Ai Cập đã không chỉ mổ sọ để cắt khối u mà còn biết làm những thủ thuật ngoại khoa khác như cắt ruột thừa, cắt cụt tay và thay thế bằng những bộ phận giả. Dấu vết của sự can thiệp kiểu như vậy vẫn còn được lưu giữ trên nhiều xác ướp.
Các ca mổ lớn như trên có thể còn được tiến hành sớm hơn nữa, nhưng chỉ phát triển mạnh từ thời đại tư tế của thần Ra là Imhotep. Năm 2630 trước Công nguyên, sau khi nhận chức Tổng thượng thư, Imhotep thông báo rằng các vị thần linh đã truyền cho ông thuật chữa bệnh, rồi mở trường đào tạo thày thuốc gồm cả nam lẫn nữ.
Các ca mổ sọ đầu tiên do đại tư tế đích thân thực hiện. Để gây mê, Imhotep đã đưa bệnh nhân vào trạng thái nhập đồng bằng cách đọc kinh cầu nguyện, sau đó cho họ uống dung dịch thuốc ngủ chế biến từ một loại thảo mộc chứa chất ma túy, khiến họ mất hết cảm giác. Ông dùng vàng để ngăn ngừa nhiễm trùng máu vì thứ kim loại này có đặc tính sát trùng. Bởi thế mới có những lá vàng nằm trong hộp sọ của xác ướp.
Ngày nay, dường như chúng ta không thể sống thiếu thuốc aspirin, điện tâm đồ, chụp X-quang. Nhưng các thày thuốc Ai Cập cổ đại đã biết cách điều trị mà không có những phương tiện hỗ trợ đó. Bệnh nhức đầu được chữa khỏi bằng cách tắm nước nóng sắc từ một số loài hoa và bằng phương pháp massage. Chứng loạn nhịp tim được xác định bởi các cô gái khiếm thị có thính giác rất nhạy. Các nhạc công có những ngón tay nhạy cảm được tuyển dụng như một thứ máy X-quang" để sờ nắn chỗ gãy xương và xác định tổn thương.
Bí quyết kéo dài tuổi thọ
Sau khi Imhotep qua đời, Pharaoh Sneferu đã ra lệnh cho các thày thuốc tìm mọi cách để kéo dài tuổi thọ của người dân, bởi nhà vua muốn thu được nhiều thuế hơn nữa nhằm làm đầy kho bạc của mình. Các toa thuốc trường sinh được đưa ra khá đặc biệt. Chẳng hạn, các thày thuốc cổ Ai Cập khuyên mỗi ngày nên dội nước 3 lần (sáng, trưa, chiều) và cạo sạch mọi thứ lông lá trên người (nhất là ở nách), trừ tóc mọc lên đầu, để ngăn cản các loại vi trùng xâm nhập cơ thể.
Ngoài ra, các ngự y kiên quyết khuyên vua không nên ăn thịt lợn mỡ, nhất là không nên ăn cá sống vì "điều đó gây nóng trong lục phủ ngũ tạng và làm trái tim tội nghiệp vỡ tan ra từng mảnh".
Nghiêm chỉnh chấp hành những lời khuyên của thầy thuốc, pharaoh Pepi II mỗi ngày tắm 3 lần, thậm chí cả khi bị cảm cúm, và ngài đã thọ 94 tuổi. Thật ra, Pepi cũng công nhận rằng một chế độ ăn kiêng đặc biệt đã giúp ông sống lâu. Nhà vua chỉ ăn thịt mỗi tháng một lần, chủ yếu là gà mái tơ.
Vào cuối những năm trị vì (2184 trước Công nguyên), ông vua trường thọ này đã tổ chức một mô hình kiểu bệnh viện thực hành hoàng gia và thu nạp các bác sĩ giỏi thuộc nhiều chuyên khoa. Thậm chí ở Ai Cập thời đó đã tồn tại một chức danh y học kỳ dị là "nhà trực tràng học", với tên gọi dân dã là "người chăm sóc hậu môn".
Các thày thuốc hoàng gia khuyên có thể làm làm nhẹ bụng bằng cách uống một hỗn hợp gồm sữa bò, ngũ cốc và mật ong; tránh ung thư vú bằng cách đeo đồ trang sức nặng bằng vàng bởi lẽ "vàng có khả năng diệt trừ khối u ngay từ trong trứng".
Các bác sĩ nhãn khoa và nha khoa Ai Cập cổ đại được coi là những người giàu có nhất. Bệnh nhiễm khuẩn ở mắt được điều trị bằng một cách rất độc đáo: "Hãy lấy một nửa bộ óc người rồi đem một phần trộn lẫn với mật ong và đắp lên mắt vào sáng sớm, phần còn lại sấy khô và cũng đắp lên mắt vào buổi tối" - cuốn cẩm nang do nhà khoa học Ebers tìm thấy đã hướng dẫn như vậy.
"Tỏi tươi cũng được áp dụng rộng rãi” - một nhân viên của Viện bảo tàng Ai Cập là Ibrahim Hussein đã khẳng định. Một toa thuốc hiệu nghiệm chữa bệnh cảm lạnh vẫn phổ biến cho đến tận ngày nay: Ăn tỏi trộn mật ong. Người cổ Ai Cập cho rằng con quỷ cảm lạnh rất sợ tỏi và sẽ chuồn ngay khi ngửi thấy mùi tỏi.
Lên đỉnh cao rồi tàn lụi
Dưới sự trị vì của các pharaoh thuộc triều đại thứ 19 (từ năm 1295 đến 1186 trước Công nguyên), những thành tựu của y học cổ Ai Cập đã đạt tới đỉnh cao. Trong khi ở châu Âu, thành La Mã chưa được xây dựng xong thì ở Ai Cập, theo Louis Magmer - tác giả cuốn sách Lịch sử y học -, con người đã được hưởng những phúc lợi hiện đại như bảo hiểm y tế và thậm chí cả... chứng chỉ mất sức lao động.
Vậy tại sao nền y học lừng lẫy đó lại bỗng nhiên biến mất và kéo thụt lùi những phương pháp điều trị? Theo giáo sư Abdul - Valrid al Masri, hồi đó Ai Cập được coi là "an dưỡng đường" của thế giới cổ đại, một khu điều dưỡng lý tưởng. Khi con trai của vua Ba Tư Kir đệ nhị lâm bệnh, nhà vua yêu cầu gửi ngay một vị danh y của Ai Cập đến, nhưng pharaoh đã từ chối bởi quan hệ giữa hai người rất căng thẳng. Hoàng tử, tức vua Cambiz II trong tương lai, không quên mối hận ấy.
Năm 525 trước Công nguyên, khi đánh chiếm kinh đô Ai Cập, lúc đó là Memphis, nhà vua Ba Tư đã ra lệnh giết hết các thày thuốc và đốt trụi bệnh viện. Nền y học Ai Cập vốn được xây dựng hàng nghìn năm đã bị phá sạch chỉ sau một ngày. Mãi đến thế kỷ 20, những thành tựu y khoa lớn của Ai Cập cổ mới được biết đến qua việc phát hiện một số tài liệu cổ.
Trần Viết Dũng - Lê Phi Long (sưu tầm)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn